TEST BÀI VIẾT - LỊCH SINH HOẠT
Đôi dòng lịch sử và tinh hoa họ Đỗ (Đậu) Việt Nam
CN Đỗ Ngọc Phương
Nước ta, từ thuở hồng hoang - thời đại đồ đá cũ đến nay đã trên ba vạn năm. Thời tiền sử, từ khi có đế, có vua cách nay cũng 7000 năm, nhà nước sơ khai của Đế Thiên, Đế Cả, Đế Viên… con cháu Phục Hy (giỗ ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch) đã có công khai sáng đất nước ta từ buổi đầu đóng đô ở phía tây dãy Ba Vì.
Theo ngọc phả, thánh tích và chứng cứ còn lưu giữ ở một số nơi đã khẳng định: Họ Đỗ - một cộng đồng người Việt đã sinh tụ, phát tích trên vùng đất này ít nhất cách đây trên 5000 năm, trước thuở lập nước đến nay mang quốc hiệu Văn Lang, trước cả thời kỳ xác lập vua Hùng đời thứ nhất.
Thật vậy, theo “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư” và “và Bách Việt Tộc Phả, cách đây gần 5000 năm, cụ Đỗ Thương kết duyên cùng cụ bà Vụ Tiên. Hai cụ sinh hạ được chín người con: một gái, tám trai. Người con cả là Đỗ Thị Đoan Trang, tên húy là Ngoan, được tôn danh là Đỗ Quý Thị (Tức Quý bà họ Đỗ); Tám người con trai là: Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỷ, Đỗ Cương, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích và Đỗ Trọng.
Cụ Đỗ Quý Thị sinh ngày 08 tháng 4, mất ngày 15 tháng 7 âm lịch, miếu thờ cụ ở Ba La, Hà Đông. Chồng cụ là Thái Khương Công Nguyễn Minh Khiết, hiệu là Đế Minh. Cụ được phối thờ cùng Đế Minh Nguyễn Minh Khiết tại nhà thờ Bách Việt Thiệu Tổ - nhà thờ hàng tổ nối tiếp của trăm họ người Việt ở thôn Vân Nội, phường Phú Lương, quận Hà Đông ngày nay. Cụ còn được thờ tại chùa Mãn Phúc, Phú Yên, Phú Xuyên, Hà Nội. Hai cụ sinh ra Lộc Tục. Khi Lộc Tục trưởng thành, lấy con gái Thần Long, là tù trưởng Hồ Động Định, phía nam sông Dương Tử (thời đó, các tộc Việt đều ở phía nam 5 dãy núi Ngũ Lĩnh, nam sông Dương Tử - nay là sông Trường Giang.
Sau khi được vua cha truyền ngôi, Lộc Tục tụ quân dẹp loạn, thu phục được 72 bộ lạc, lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ (“Xích Quỷ” là tên ngôi sao sáng đỏ). Kinh Dương Vương mất ngày 18 tháng Giêng năm 2879 (trước Công Nguyên).
Mộ Thủy tổ Việt Nam Kinh Dương Vương ở làng Á Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khu di tích đền thờ Kinh Dương Vương cũng ở gần đấy. Ngày 18 tháng Giêng là ngày giỗ Kinh Dương Vương, nhà nước về đây tổ chức đã trở thành lễ hội truyền thống hàng năm.
Sùng Lãm là con trai thứ ba của Kinh Dương Vương, hiệu là Lạc Long Quân, lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, thay cha lập nên nhà nước Văn Lang, mở ra triều đại vua Hùng đầu tiên.
Mộ quốc tổ Lạc Long Quân ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Đền thờ các vua Hùng ở đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, giỗ chung là ngày 10 tháng 3 âm lịch. Cụ Đỗ Quý Thị được phong Phật hiệu là “Hương Vân Cái Bồ Tát”. Dân Việt tôn phong là “Đệ Nhất Tiên Thiên Thánh Mẫu’’ (Mẫu mẹ đầu tiên của Đạo Mẫu Việt Nam) vì bà là mẹ của Thủy tổ Việt Nam – Kinh Dương Vương, là bà nội của quốc tổ Lạc Long Quân – vua Hùng.
Còn tám người con trai (em của cụ Đỗ Quý Thị, là cậu của Kinh Dương Vương, lúc nhỏ đã được cụ Đỗ Quý Thị đưa vào động Tiên Phi, nay là Động Tiên, Lạc Thủy, Hòa Bình để tu luyện. Lớn lên, họ đã có công giúp Kinh Dương Vương dựng nước nên được phong là Bát Bộ Kim Cương. Đó là:
1. Đỗ Xương, hiệu Thanh Trừ Tai Kim Cương (Cơ khí giới – trừ tai họa);
2. Đỗ Tiêu, hiệu là Tịch Độc Thận Kim Cương;
3. Đỗ Kỷ, hiệu là Hoàn Tuỳ Cầu Kim Cương;
4. Đỗ Cương, hiệu là Bạch Tịnh Thuỷ Kim Cương;
5. Đỗ Chương, hiệu là Xích Thanh Hoả Kim Cương;
6. Đỗ Dũng, hiệu là Định Trừ Tai Kim Cương;
7. Đỗ Bích, hiệu là Tử Hiền Thần Kim Cương;
8. Đỗ Trọng, hiệu là Đại Thần Lục Kim Cương.”
Mộ Bát Bộ Kim Cương (và thân thích) được chôn cất ở Gò Thiềm Thừ (Gò Con Cóc), tại Ba La, Hà Đông, thành phố Hà Nội. Nơi đây được lập bia Thần Cóc để thờ vì Cóc là cậu Vua – Cậu ông trời. Hai bia đá thần Cóc bốn mặt khắc chữ Nho. Được dịch là:
Lối cũ dấu thơm,
Nghìn xưa còn đó.
Cây to báu vật,
Muôn thuở còn đây.
Miếu thờ tổ bà Đỗ Quý Thị - Đệ nhất Tiên Thiên Thánh Mẫu được bà con quanh vùng và bà con họ Đỗ cả nước tôn kính, đến dâng hương trong các ngày tiết lễ. Khu mộ Bát Bộ Kim Cương được họ Đỗ (Đậu tôn tạo, bà con họ Đỗ vẫn đến dâng hương, chiêm bái.
Ngày 10 tháng 9 năm 2016, tại gò Thiềm Thừ, họ Đỗ Việt Nam đã long trọng đón nhận bằng di tích lịch sử khu mộ tổ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Họ Đỗ (Đậu) đã đi vào lịch sử dân tộc. Thời nào cũng có hào kiệt: Đỗ Phụng Chân, Đỗ Quang, Đỗ Công Điền, Đỗ Ả Lã, Đỗ Nương Chi, Đỗ Mẫn (thời Hùng Vương) ; Thái sư – võ sư Đỗ Năng Tế - thầy dạy Hai Bà Trưng; Đỗ Thị Hảo, Đỗ Thị Dung, Đỗ Xuân Quang, Đỗ Dương đã cầm quân dưới cờ khởi nghĩa Hai Bà.
Sau Công Nguyên, họ Đỗ (Đậu) đã bao trùm phần đông ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Càng về sau, nhân danh họ Đỗ (Đậu) được ghi tên trong sử sách ngày càng nhiều. Tiêu biểu là Đỗ Cảnh Thạc – chủ tướng vương triều Ngô (trận Bạch Đằng năm 938) đã kết thúc một nghìn năm đô hộ của phương Bắc. Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc (12 sứ quân) trung thành phục dựng triều Ngô; Nhà sư Đỗ Pháp là nhà văn đầu tiên của Việt Nam (thời Đinh); Đỗ Thiện viết sử ký đời Lý; Văn tướng Đỗ Khắc Chung – người duy nhất trong các tướng triều Trần dám dũng mãnh đi thương thuyết với Ô Mã Nhi tại Đông Bộ Đầu khi thế giặc mạnh như chẻ tre và mưu trí, dũng cảm cứu công chúa Huyền Trân khỏi giàn thiêu khi Chế Mân – vua Cham Pa qua đời; Võ tướng Đỗ Hành bắt sống Ô Mã Nhi và tướng Tích Lệ Cơ trên sông Bạch Đằng, tế sống các vua Trần để trả thù quân Nguyên tàn phá mộ tổ của các vua Trần; Đại tướng Đỗ Chính Minh phò Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành; Tiến sĩ Đỗ Nhuận – phó Nguyên súy Tao Đàn thời Lê; Đỗ Lý Khiêm là Trạng nguyên (1499) nhà Lê; Đỗ Tống – Trạng nguyên (1529) nhà Mạc; Đậu Bá Luận (Công đạo) vẽ bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa (tứ chi lộ đồ) thế kỷ thứ XVII; Đỗ Phát – tiến sĩ (1834) tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng) - Dinh điền chánh sứ khai phá hai tổng là Quế Hải và Tân Khai tại Hải Hậu, Nam Định ngày nay; Đỗ Thừa Lương, Đỗ Thừa Tự mở đất, khởi nghĩa cuối thế kỷ XIX ở Cà Mau, Kiên Giang; Đỗ Thị Bính – người đẹp trong tứ mĩ Hà thành xa; Giáo sư- Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi – nhà dược học; Đỗ Nhuận – nhạc sĩ Việt Nam; Đậu Ngọc Xuân, Đỗ Quốc Sam, Đỗ Nguyên Phương, Đỗ Chính, Đỗ Quang Trung; Đỗ Trung Tá – Bộ trưởng; Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Đình Chiểu – Viện sĩ hạt nhân nguyên tử (Pháp); Đỗ Văn Xuyến, nhà giáo- nhà văn giải mã được chữ Việt cổ thời tiền sử của nền văn minh Văn Lang (các vua Hùng), là bộ chữ Khoa Đẩu đã được tổ tiên ta sử dụng khoảng 2000 năm (đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, bị chữ Hán thay thế); Thượng tướng Đỗ Văn Cầm (Hoàng Cầm); Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nay là Phó Chủ tích Quốc hội
Ngày nay, họ Đỗ (Đậu) đã có trên 8 triệu người, chiếm gần 1/10 dân số Việt Nam. Xưa và nay đã có hàng nghìn đại khoa, tiến sĩ, nhân vật lịch sử, tướng lĩnh đất Việt mà sách “Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đã ghi danh lưu truyền cho hậu thế./.